8 Cách nấu nước lèo ngon cho các món bún phở, hủ tiếu
Nhắc đến bún phở, hủ tiếu, bánh canh hay các món nước tương tự thì điều làm nên cái hồn của món ăn chính là nước lèo. Mỗi món ăn sẽ có một công thức chế nước lèo riêng và cách nêm nếm gia vị khác nhau. Bài viết sau đây, NEWSUN sẽ gửi đến bạn 8 cách nấu nước lèo ngon cho các món nước. Cùng tham khảo nhé!
1. Cách nấu nước lèo phở bò, bún bò
Nội Dung
Phở bò là món ăn “quốc dân” ở Việt Nam, đâu đâu cũng có, tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có một khẩu vị và công thức chế biến nước dùng riêng. Trong đó, cách chế nước dùng truyền thống được khá nhiều người áp dụng, chú trọng ở độ ngọt của xương được ninh lâu thay vì các gia vị và topping ăn kèm.
Nguyên liệu: 500gr thịt bò, 100gr xương heo, 1 củ hành tây, 5 củ hành tím, 1 củ gừng, 2 muỗng canh đường phèn, 1 gói gia vị nấu phở bò, gia vị thông dụng (đường, muối, hạt nêm, bột ngọt). Xương heo bạn nên chọn loại có màu tươi, không bị tái và mùi lạ, to khoảng 2-3 đốt ngón tay.
Cách chế biến:
– Sơ chế và chần thịt: Dùng muối và giấm để khử sạch mùi hôi của thịt bò và xương heo. Bắc nồi nước lên bếp, cho 3 củ hành tím đã đập dập vào đun ở nhiệt độ cao. Khi nước sôi cho thịt bò và xương heo vào chần khoảng 3 phút để loại bỏ mùi hôi. Sau đó bạn vớt thịt và xương ra bỏ vào tô nước lạnh.
– Sơ chế các nguyên liệu khác: Nướng hành tây, hành tím và gừng trên bếp khoảng 2 phút đến khi dậy mùi thơm. Cho gia vị nấu phở bò vào chảo và rang trên lửa vừa trong 3-4 phút, sau đó bỏ vào túi lọc, cột chặt miệng túi lại.
– Nấu nước dùng:
- Cho vào nồi 1.5 lít nước cùng thịt và xương đã chần qua rồi đậy nắp lại. Khi nước sôi, bạn cho hành tây, hành tím, gừng và túi gia vị nấu phở vào nồi, hầm trong 1 tiếng.
- Cho 2 muỗng canh đường phèn, 2 muỗng cà phê muối, 1.5 muỗng cà phê bột ngọt, 1.5 muỗng cà phê hạt nêm rồi khuấy đều, nêm nếm lại cho vừa ăn và nắp lại 3 phút rồi tắt bếp.
- Chú ý, trong lúc hầm nước dùng, bạn cần thường xuyên hớt sạch bọt để nước dùng trong và ngọt thanh hơn.
Thưởng thức:
Bánh phở cho ra bát, xếp lát thịt bò lên trên rồi chan nước dùng, thêm ít ớt, giấm hoặc chanh, một chút rau ăn kèm,… vậy là đã hoàn thành!
Nước dùng đậm đà, vị ngọt thanh từ xương, hành tím, hành tây xen lẫn mùi gừng thơm phức kết hợp với thịt bò mềm, béo ngậy và bánh phở mềm dai. Tất cả tạo nên tô phở bò hấp dẫn, thơm ngon khó lòng mà chối từ.
2. Cách nấu nước dùng phở gà
Cuối tuần cả gia đình quây quần bên nhau và thưởng thức tô phở gà nóng hổi thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Cách nấu phở gà cũng không quá phức tạp, bạn hoàn toàn có thể thực hiện ngay tại nhà với công thức chế nước lèo phở đơn giản sau đây.
Nguyên liệu: 1.5kg xương heo, 1.6kg gà ta, 100gr trứng non, 100gr củ cải trắng, 150gr hành tây, 20gr ngò rí, 1 cây hành lá, 5 củ hành tím, 1 củ gừng, 1 gói gia vị thuốc bắc, gia vị thông dụng (nước mắm, đường phèn, muối, bột ngọt, hạt nêm gà).
Cách chế biến:
– Sơ chế và hầm xương: Ngâm xương với nước muối pha loãng khoảng 5-7 phút rồi rửa lại vài lần với nước. Tiếp đó, bắc nồi lên bếp đun sôi với 1 lít nước, cho toàn bộ phần xương heo vào chần sơ khoảng 3-5 phút rồi đem rửa trực tiếp dưới vòi nước lạnh, để ráo.
– Sơ chế các nguyên liệu khác:
- Dùng 1 ít muối chà xát lên bề mặt thịt gà khoảng 3-5 phút rồi đem rửa lại 2-3 lần với nước sạch để loại bỏ mùi hôi và chất bẩn.
- Củ cải trắng cắt bỏ đầu, rửa sạch, cắt khoanh. Hành tây lột vỏ, cắt lát mỏng. Hành lá và ngò rí bỏ rễ, rửa sạch, để ráo nước rồi cắt nhuyễn.
- Đặt vỉ nướng lên bếp cùng toàn bộ phần hành tím, gừng cắt lát, hành tây và củ cải trắng, tiến hành nướng với lửa nhỏ khoảng 3-5 phút đến khi các nguyên liệu tỏa hương thơm.
- Bắc chảo lên bếp, rang toàn bộ phần gia vị thuốc bắc với lửa nhỏ trong 3-5 phút cho dậy mùi thơm thì tắt bếp.
– Luộc gà và trứng non:
- Bắc nồi khác lên bếp cùng 5 lít nước, cho toàn bộ xương heo, gà ta, 1.5 muỗng canh muối và 1 muỗng canh đường phèn vào luộc trong 10 phút với lửa lớn.
- Nước sôi giảm xuống lửa nhỏ, tiếp tục luộc thêm 20 phút nữa cho gà chín thì vớt ra ngâm vào thau nước đá 5 phút cho thịt gà săn lại, rồi vớt gà ra để ráo, cắt khúc vừa ăn.
- Tiếp tục cho toàn bộ phần trứng non vào luộc trong 5-7 phút. Khi trứng non chín, bạn vớt ra chén, để nguội.
– Nấu phở:
- Cho toàn bộ phần củ cải trắng và hành tây vào nồi nước dùng. Đồng thời bỏ phần gia vị thuốc bắc vừa rang cùng gừng, hành tím, gốc ngò rí vào túi vải nhỏ, cho vào nồi nước dùng, đun với lửa nhỏ trong 40 phút.
- Vớt tất cả nguyên liệu ra ngoài, nêm 3 muỗng canh hạt nêm gà, 1.5 muỗng canh muối, 3 muỗng canh đường phèn, 1 muỗng canh bột ngọt và 2 muỗng canh nước mắm, dùng vá khuấy đều rồi nêm nếm gia vị vừa ăn và tắt bếp.
Thưởng thức:
Nước dùng phở gà đã xong. Bạn bắc một nồi nhỏ lên bếp cùng 200ml nước, đun sôi và cho toàn bộ bánh phở vào chần sơ rồi cho ra to. Cuối cùng, bạn lần lượt thêm gà ta, trứng non, hành lá và chan lên nước dùng vừa nấu.
Tô phở nóng hổi với nước dùng ngọt thanh, quyện cùng bánh phở trắng nõn, thịt gà ta săn chắc và trứng non bùi bùi. Bạn có thể ăn kèm chanh, giấm, ớt tươi và rau sống cho vị thêm đậm đà.
>>> Xem thêm: Cách làm bún chả Hà Nội chuẩn vị ít người biết
3. Cách nấu nước lèo bún riêu cua
Bún riêu cua là một món ăn dân dã được tạo bởi nước dùng thơm ngọt tự nhiên, hòa quyện với riêu cua béo ngậy, ăn kèm với nhiều nguyên liệu khác như ốc, thịt bò, giò, đậu, rau sống,… Bạn có thể làm bún riêu để ăn sáng hoặc đổi vị cho bữa cơm gia đình đều rất tuyệt.
Nguyên liệu: 1kg cua đồng xay, 400gr bún tươi, 50gr tôm khô, 30gr mực khô, 100gr giò sống, 200gr huyết heo, 2 cái lòng đỏ trứng gà, 100gr mỡ heo, 150gr đậu hũ, 500gr cà chua, 300gr rau ăn kèm, 100gr hành tím, 20gr hành lá, 150ml dầu ăn, 1 muỗng canh dầu điều, 20gr mắm tốm, 20ml nước mắm, gia vị thông dụng (tiêu, hạt nêm, muối, đường, bột ngọt).
Cách chế biến:
– Sơ chế cua đồng: cua ngâm nước khoảng 1 tiếng để loại bỏ hết đất cát, sau đó lột yếm và mai cua để riêng. Dùng tăm nạo lấy phần gạch cua cho vào chén nhỏ, ướp với một ít tiêu xay và hạt nêm. Phần yếm cua đem xay hoặc giã nhỏ rồi hòa nước vào, lọc lấy khoảng 3.5 lít nước riêu cua.
– Sơ chế các nguyên liệu khác: mỡ heo rửa sạch, cắt miếng vuông rồi đem chiên vàng. Đậu hũ cắt miếng nhỏ rồi chiên vàng đều các mặt. Hành lá nhặt rửa sạch, 1 nửa đem cắt nhỏ, 1 nửa cắt khúc 3cm. Hành tím lột vỏ cắt lát. Cà chua cắt múi cau. Huyết heo luộc sơ lại cho sạch và cắt khúc vừa ăn. Tôm, mực khô ngâm nước 30 phút rồi cắt nhỏ mực, chiên vàng cùng tôm khô.
– Phi hành tím: Tận dụng phần mỡ heo hoặc cho vào chảo 150ml dầu ăn, đun nóng rồi cho hành tím vào chiên vàng. Tiếp đó cho phần tóp mỡ vào chiên sơ rồi vớt ra để ráo.
– Xào gạch cua: Cho gạch cua vào chảo cùng 1 muỗng canh nước mỡ heo và xào chín.
– Làm và hấp chả cua: Cho vào tô 100gr giò sống, 2 cái lòng đỏ trứng gà, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 ít hành lá cắt nhỏ, một ít nước riêu cua và trộn đều. Cho hỗn hợp vào khuôn cùng 100ml nước riêu, đem hấp khoảng 30-40 phút cho chả cua chín. Phết lên bề mặt chả cua ít gạch cua xào để tạo màu vàng đẹp mắt và tăng thêm hương vị.
– Xào sơ cà chua cùng với nước mỡ heo đun nóng và 1 muỗng canh dầu điều khoảng 5 phút.
– Nấu nước dùng:
- Cho mực và tôm khô đã chiên vào nồi cùng phần xác cua bọc kỹ bằng vải. Cho vào nồi 1.5 lít nước và nấu khoảng 30-40 phút.
- Vớt bỏ xác, đổ thêm vào nồi 3 lít nước riêu cua, đun trên lửa nhỏ, lúc này, váng riêu sẽ nổi lên mặt nước.
- Cho cà chua, đậu hũ, huyết heo, hành lá cắt khúc, gạch cua vào nồi và nêm 60gr đường, 20ml nước mắm, ít hạt tiêu, bột ngọt, hạt nêm và 20gr mắm tôm.
Thưởng thức:
Nước dùng bún riêu có màu đỏ bắt mắt của cà chua. Bạn cho bún vào tô, cắt chả thành những miếng vừa ăn, chan nước riêu cùng huyết, đậu hũ và hành lá, vậy là đã hoàn thành.
Nước dùng ngọt thanh, chả cua đậm đà, thơm ngon, ăn kèm rau sống và một chút giấm tỏi, ớt trưng nữa thì thật tuyệt!
4. Cách nấu nước dùng bún bò Huế
Bún bò Huế là món ăn đặc trưng của người dân miền Trung với hương vị thơm ngon, đậm đà của nhiều loại nguyên liệu hòa quyện. Với những ai đã từng thưởng thức qua chắc chắn sẽ ấn tượng mãi không quên.
Nguyên liệu: 1kg chân giò heo, 500gr nạm bò, 200gr bún, 1 tô tiết bò hoặc heo, 200gr chả cua & chả bò, 3 muỗng canh dầu điều, 7 cây sả, 2 củ hành tây, 1 củ tỏi, 1 củ gừng, 2 quả ớt, 1 quả chanh, ít giá đỗ, húng quế, hoa chuối, gia vị thông dụng (dầu ăn, đường, muối, hạt nêm).
Cách chế biến:
– Sơ chế nạm bò, chân giò:
- Chặt chân giò thành các khoanh tròn và rửa sạch, sau đó luộc qua với nước sôi cho hết chất bẩn, rửa lại với nước.
- Nạm bò rửa sạch, luộc cùng 1/2 củ gừng thái lát. Khi nước bắt đầu sôi thì vặn nhỏ lửa, ninh khoảng 2 tiếng cho nhừ rồi vớt ra để nguội, thái lát mỏng.
– Sơ chế các nguyên liệu khác:
- Mua sẵn tiết đã chế biến hoặc mua tiết sống về tự luộc, xắt miếng vừa ăn.
- Thả chả cua vào nồi nước luộc nạm cho chín rồi vớt ra để riêng.
- Băm nhỏ 4 cây sả, số còn lại cắt khúc, đập dập.
- 1 củ hành tây cắt đôi, 1 củ thái mỏng.
- Tỏi, hành tím bóc vỏ rồi băm nhuyễn.
- Hành lá, mùi tàu, húng quế rửa sạch thái nhỏ. Rau ăn kèm cũng nhặt rửa sạch, để ráo nước.
– Nấu bún bò Huế:
- Cho 2 thìa dầu ăn và sả băm vào chảo phi cho thơm. Lấy bớt sả ra, cho tiếp 3 muỗng canh dầu điều cùng hành, tỏi, ớt băm nhuyễn vào phi vàng thì tắt bếp.
- Ninh chân giò heo cùng 1 củ hành tây cắt đôi và 3 cây sả trên lửa nhỏ cho nước dùng thơm ngọt.
- Hòa riêng ra bát 2 muỗng canh mắm ruốc với 100ml nước lạnh, gạn lấy phần trên cho vào nồi, phần cặn bỏ đi.
- Cho thêm 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh muối, nêm nếm lại cho vừa miệng. rồi cho ớt sa tế đã làm ở trên vào.
Thưởng thức:
Vậy là nồi nước lèo chan bún bò Huế đã hoàn thành! Bún rụng qua nước sôi, để ráo rồi trút ra tô, thêm thịt nạm, móng giò, chả cua, tiết, mùi tàu, hành lá thái nhỏ, một ít hành tây thái mỏng rồi chan nước dùng.
Hương vị ngọt thơm của nước dùng, cái béo ngậy của móng giò, giòn giòn mềm ngon của thịt nạm, chả cua thơm lừng cùng một chút cay nồng của ớt và chua chua của chanh. Bún bò Huế ăn kèm thêm giá đỗ, hoa chuối thái mỏng, húng quế và ớt chưng thì đúng chuẩn luôn.
>>> Xem thêm: Công thức nấu cháo gà nấm rơm thơm ngon bổ dưỡng tại nhà
5. Cách nấu nước lèo bún hải sản
Nếu bạn đang tìm kiếm một món nước thơm ngon để đổi vị cho bữa ăn gia đình thì bún hải sản là một gợi ý rất thú vị.
Nguyên liệu: 1 con cá diêu hồng, 500gr mực, 500gr tôm, 3 quả cà chua, 300gr nấm đùi gà, cải thìa, 2 củ hành tím, 4 cây sả, 5 quả ớt, 1 quả chanh, 5 muỗng canh nước me, 1 muỗng canh tương ớt, ít dầu ăn, giấm, gia vị thông dụng (đường, muối, bột ngọt, nước mắm).
Cách chế biến:
– Sơ chế nguyên liệu:
- Mực đem làm sạch, ngâm giấm pha loãng trong 5 phút rồi rửa sạch lại với nước, cắt miếng vừa ăn.
- Tôm cắt bỏ râu, rửa sạch với nước và để ráo.
- Cá diêu hồng làm sạch ruột, cạo vảy, rửa qua nước rồi dùng muối vào chanh chà xát thân cá để khử mùi tanh, rửa lại với nước lần nữa.
- Cà chua rửa sạch, cắt múi cau. Hành lá làm sạch, cắt nhỏ. Hành tím băm, sả đập dập. Cải thìa tách lá rồi rửa sạch với nước.
– Trụng cải thìa qua nước sôi trong 1 phút rồi vớt ra đĩa.
– Xào nguyên liệu: Bắc chảo lên bếp đun nóng dầu ăn rồi cho hành tím vào phi cho vàng thơm. Lượt lượt cho sả vào cùng, rồi ớt và cà chua, dùng đũa đảo đều cho đến khi các nguyên liệu chín.
– Nấu nước dùng:
- Bắc nồi lên bếp, cho các nguyên liệu vừa xào vào cùng 250ml nước.
- Khi nước sôi, cho cá vào nước dùng và để sôi thêm 5 phút.
- Nêm 1 muỗng canh tương ớt, 5 muỗng canh nước me, 1 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng canh đường và 1/2 muỗng canh muối. Bạn có thể điều chỉnh gia vị cho phù hợp khẩu vị.
- Cho mực, nấm, ớt và tôm vào và nấu cho đến khi hải sản chín. Cho hành lá và ngò vào rồi tắt bếp là hoàn thành.
Thưởng thức:
Nước lèo có màu đỏ bắt mắt, mùi thơm hấp dẫn, vị chua chua, cay cay được nêm nếm rất vừa miệng. Hải sản chín mềm, chắc thịt ăn cùng cải thìa xanh giòn ngọt.
6. Cách nấu nước dùng hủ tiếu
Hủ tiếu là món ăn không quá xa lạ với chúng ta. Một tô hủ tiếu ngon là sự kết hợp vừa vặn giữa nước dùng trong vắt, vị ngọt thanh, quyện cùng sợi hủ tiếu mềm thơm và topping đậm đà, thấm vào lưỡi vị ngọt, mặn, chua, cay hài hòa.
Nguyên liệu: 200gr xương ống heo, 500gr nạc lưng heo, 1 quả tim heo, 400gr gan heo, 500gr tôm sú, 100gr mực khô, 50gr tôm khô, 20 quả trứng cút luộc chín và lột sạch vỏ, 1 củ cải xá bấu lớn (củ cải muối mặn), 2 củ hành tây, 2 củ gừng, 2 cây tỏi tây, rau cần, tỏi phi, thịt bằm xào, giá, tần ô, chanh, ớt, gia vị thông dụng.
Cách chế biến:
– Chần xương, thịt, tim và gan heo:
- Xương, thịt, tim và gan heo đem chà với muối hạt và gừng tươi rồi rửa sạch lại với nước.
- Chần sơ với nước sôi cùng 1/2 của hành tây, 4 tép hành lá, 1 củ gừng cạo vỏ đập dập cho xương và thịt săn chắc hơn, đồng thời lọc những cặn bẩn còn bám sâu bên trong, khử mùi hôi. Chần xong ngâm trong nước đá lạnh cho đến khi nguội hẳn thì vớt ra.
- Tương tự như trên, chần mực và tôm chưa bóc đầu và vỏ.
– Nướng tôm và mực khô bằng cồn: cho mực khô vào nướng trước, nghe mùi mực bén thì cho tiếp tôm khô vào nướng cùng đến khi mực chín và tôm thơm.
– Nấu nước lèo ngọt thanh:
- Cho 1.5-2 lít nước vào nồi, đun cho sôi rồi cho lần lượt 1 củ hành tây chẻ đôi, 1 củ gừng đã cạo vỏ đập dập, 2 cây tỏi tây, rau cần, mực tôm khô, cải xá bấu và toàn bộ xương, thịt, tim, gan heo vào cùng.
- Khi nước sôi, thả mực và tôm vào, đun cho đến khi thịt chín hẳn thì vớt mực, tôm, thịt nạc vai, tim và gan heo ra trước. Còn lại xương ống và các nguyên liệu khác tiếp tục hầm nhỏ lửa trong 30-45 phút nữa. Nếu muốn có nước trong hơn thì lược thô qua rây và giữ nước, xá bấu, hành lại, đun nóng rồi thưởng thức.
Thưởng thức:
Hủ tiếu trụng nước sôi cho mềm, sau đó đổ ra bát trộn với tỏi phi, thêm 2 muỗng thịt bằm xào, xếp xung quanh là 2 quả trứng cút, 2 con tôm, vài khoanh mực, lát thịt nạc lưng, gan, tim heo và chan nước lèo ngọt thơm.
Hủ tiếu ăn kèm giá trụng, hẹ, hành lá và vài lát ớt cay, miếng chanh chua chua nữa đảm bảo mê luôn!
>>> Xem thêm: Chế biến món súp gà tôm thơm ngon, thanh đạm cho ngày hè
7. Cách nấu nước lèo mì Quảng
Bất kỳ ai đã từng đặt chân đến Đà Nẵng, Quảng Nam thì đều không quên được món mì Quảng – món ăn được ví như “linh hồn” của nền ẩm thực nơi đây.
Mì Quảng có khá nhiều “phiên bản” khác nhau như mì tôm thịt, mì gà, mì ếch, mì sườn non, mì cá lóc,… Với sự biến tấu về nguyên liệu chính, mỗi món mì Quảng lại mang một màu sắc hương vị đặc trưng riêng. Dưới đây là cách nấu món mì Quảng tôm thịt được yêu thích nhất hiện nay:
Nguyên liệu: 400gr mì Quảng, 500gr xương đuôi heo, 500gr tôm, 500gr thịt ba chỉ, 20 quả trứng cút luộc lột sẵn vỏ, 200ml dầu lạc, 100gr lạc, 1 củ hành tây, 1/2 củ cải trắng, 15 củ nén (hành tăm), 5 củ hành tím, 3 nhánh hành lá, 1 nhánh nghệ, 3 nhánh mùi tàu, 1 quả trứng gà, 2 muỗng canh dầu điều, 10 cái bánh đa, 5 muỗng canh nước mắm, chút muối, đường, mì chính, tiêu xay.
Cách chế biến:
– Nấu nước lèo mì Quảng: Chần sơ 500gr xương đuôi heo trong 5 phút rồi rửa sạch. Sau đó, bạn đun sôi khoảng 3 lít nước, cho xương heo vào ninh với lửa vừa trong 40 phút rồi cho hành tây, củ cải trắng vào nấu thêm 50 phút. Tiếp theo, thêm 1.5 lít nước vào nồi, cho 2 thìa cafe muối, 1 thìa cafe mì chính, 1 thìa cafe đường và 1 muỗng canh nước mắm, bật lửa lớn tới khi nước sôi thì tắt bếp.
– Sơ chế và giã nguyên liệu: Dùng chày giã nhuyễn 20gr lạc và 1 củ nghệ. Số lạc còn lại đem rang rồi xát sạch vỏ. Tiếp theo, giã nhuyễn củ nén và băm nhuyễn hành tím. Hành lá, mùi tàu rửa sạch, cắt nhỏ.
– Sơ chế và ướp thịt ba chỉ: Chần sơ thịt với nước sôi khoảng 2 phút rồi rửa sạch lại, xắt lát mỏng. Sau đó, bạn ướp thịt trong 30 phút với 1 muỗng canh nước mắm, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê mì chính, 1 thìa cà phê tiêu, 2 thìa hành tím băm, 1 thìa cà phê đường và 1 thìa củ nén.
– Sơ chế và ướp tôm: Tôm bỏ đầu, chân và chỉ đen trên lưng rồi rửa sạch, để ráo. Ướp tôm 30 phút với 1 thìa cà phê muối, 1 thìa mì chính, 1 thìa hành tím và 1 thìa củ nén băm.
– Làm dầu lạc và củ nén: Cho vào chảo 200ml dầu lạc, đun sôi khoảng 2 phút đến khi dầu bốc khói thì tắt bếp, để nguội rồi đổ ra. Cho vào chảo mới đun sôi 100ml dầu lạc đã khử, cho một nửa lượng củ nén đã giã còn lại vào phi vàng thơm thì vớt ra.
– Xào tôm và thịt ba chỉ: Đun sôi 1 muỗng canh dầu lạc rồi cho tôm vào xào khoảng 5 phút thì vớt ra. Tiếp theo, bạn đun sôi 3 muỗng canh dầu lạc, cho phần củ nén còn lại và lạc, nghệ vào phi thơm. Cho thịt ba chỉ vào xào với lửa lớn khoảng 4 phút.
– Nấu nước nhân: Cho vào chảo thịt 1.5 lít nước dùng, trứng cút, tôm và 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh muối, 1 muỗng canh mì chính, 4 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh dầu điều. Để nước nhân sệt hơn, bạn đánh vào 1 quả trứng gà, nấu sôi nước.
Thưởng thức:
Món mì Quảng tôm thịt thơm ngon, đặc sắc cùng với nước nhân ngọt thanh, tôm giòn giòn và thịt mềm đậm đà, ăn kèm với các loại rau và tương thì thật hết sẩy.
8. Cách nấu nước dùng bánh canh cua đồng
Bánh canh cua là món ăn khá thân thuộc với mọi người. Sợi bánh canh dai dai kết hợp cùng nước dùng ngọt thanh của cua đã mang đến vị ngon khó chối từ của món ăn này.
Nguyên liệu: 300gr bánh canh, 200gr sườn non, 200gr cua đồng xay, 3 con tôm, 1/4 quả dứa, 1 quả trứng gà, 4 tép tỏi, 2 quả cà chua, 5gr hành lá, 5gr rau thơm, gia vị thông dụng (đường, muối, hạt nêm, tiêu, bột ngọt).
Cách chế biến:
– Sơ chế nguyên liệu: Tôm lột vỏ, loại bỏ chỉ tôm và rửa sạch với nước. Sườn non rửa với nước muối loãng để khử mùi tanh, sau đó rửa lại với nước sạch, chặt khúc vừa ăn. Cà chua rửa sạch cắt múi cau. Dứa gọt vỏ, cắt sạch mắt rồi cắt lát mỏng vừa ăn.
– Sơ chế và lọc riêu cua: Phần thịt cua xay cho thêm ít muối, khuấy đều rồi lọc lấy phần nước mang đi đun sôi. Khi thấy riêu cua nổi lên thì dùng vợt vớt hết cho ra tô để riêng. Phần nước giữ lại để nấu nước dùng.
– Xào các nguyên liệu: Bắc chảo lên bếp, phi thơm tỏi rồi cho sườn vào xào đến khi thịt săn lại thì lấy ra. Tiếp tục phi thơm tỏi và xào cà chua đến khi chín nhừ và ra màu thì tắt bếp.
– Nấu nước dùng: Bắc nồi nước cốt thịt cua lên bếp, cho hết sườn và cà chua vào đun với lửa lớn. Cho thêm dứa, 1.5 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa bột ngọt, 1.5 thìa đường, tiếp tục đun với lửa nhỏ đến khi thịt sườn mềm thì tắt bếp.
Thưởng thức:
Cho bánh canh ra bát tô, thêm thịt sườn, tôm, trứng gà, chan nước dùng và riêu cua lên trên, rắc thêm ít hành lá băm.
Sợi bánh canh dai dai ăn cùng với thịt sườn mềm, thịt tôm thanh ngọt quyện lẫn trong vị ngọt đậm đà của riêu cua. Quan trọng nhất là nước dùng được nêm nếm vừa ăn, có vị chua chua, ngọt ngọt, ngon đến khó cưỡng.
Với những công thức, cách nấu nước lèo cực ngon mà NEWSUN vừa cung cấp, hi vọng gia đình bạn sẽ có thêm những món ăn ngon.
Nếu bạn đang có ý định kinh doanh nhà hàng hay quán bún phở có thể tham khảo một số thiết bị như nồi nấu phở bằng điện, máy thái thịt, máy cưa xương,… để hỗ trợ thực hiện món ăn nhanh và ngon hơn. NEWSUN chuyên cung cấp máy móc chính hãng, giá tốt với chế độ bảo hành cực uy tín. Hãy liên hệ đến số hotline hoặc ghé chi nhánh gần nhất để được tư vấn chi tiết nhé!
Bình luận
Xem tất cả