Tổng hợp 8 công thức cách làm giò chả ngon cho mâm cơm Tết

Giò chả là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các mâm cơm ngày đầu năm bởi hương vị đậm đà thơm ngon cùng cách làm đơn giản. Tết sắp đến rồi, hãy cùng NEWSUN vào bếp để học cách làm giò ngon với 8 công thức sau đây nhé!

Công thức làm giò chả ngon cho mâm cơm Tết

1. Cách làm Giò lụa (chả lụa)

Giò lụa (miền Bắc) hay còn gọi là chả lụa (miền Nam) là món ăn dân dã thường thấy trong bữa ăn hàng ngày và không thể thiếu trong các mâm cơm, cỗ cúng ngày lễ Tết. Giò lụa được làm từ nguyên liệu thịt lợn xay hoặc giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối xanh mướt và luộc chín.

1.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1kg thịt đùi heo
  • 300gr mỡ
  • 50gr bột năng hoặc bột bắp
  • 30gr bột nở (baking powder)
  • 2 củ hành tím
  • Nước đá lạnh
  • Gia vị: hạt nêm, nước mắm, tiêu trắng,…
  • Dụng cụ: lá chuối, dây buộc, dao, chén bát, thớt, máy xay, nồi hấp, khuôn giò,…

Nguyên liệu làm giò lụa (chả lụa)

1.2 Các bước làm giò lụa thơm ngon, giòn dai

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Thịt mua về rửa sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 5 phút để khử mùi hôi, sau đó rửa lại vài lần với nước rồi để ráo. Lấy khăn lau khô, cắt thịt thành các miếng nhỏ vừa ăn.

Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn. Lá chuối rửa sạch, luộc qua với nước sôi rồi lau khô nước.

Bước 2: Ướp thịt

Cho thịt vào bát tô, thêm hành tím băm, 1 muỗng canh hạt nêm, đảo đều rồi chia làm 2 phần bằng nhau, bọc lại, bỏ lên ngăn đông khoảng 30 phút cho thịt ngấm gia vị và làm mát hoàn toàn. Đây là bí quyết để làm giò lụa thơm và giòn, không bị bở.

Bước 3: Xay nhuyễn thịt thành giò sống

Xay lần 1, cho thịt vào máy xay trong 2 phút, không nên xay quá lâu sẽ làm chín thịt. Lấy thịt ra cho vào khay, thêm 4 muỗng canh nước mắm, 50gr bột năng, 30gr bột nở và một ít hạt tiêu trộn đều lên rồi bọc kín lại, để ngăn đông trong 45 phút.

Xay lần 2, cho thịt lại vào máy, bấm xay trong khoảng 15-20 giây thì ngưng một chút để thêm ít đá lạnh và bấm xay tiếp, lặp lại khoảng 3-4 lần đến khi thịt chuyển sang màu trắng hồng, dẻo mịn và kết dính.

Cho giò sống ra bát và cho 2 muỗng canh dầu ăn, đảo đều, quết cho đến khi thịt nhuyễn mịn và bóng. Đây là bí quyết để giò lụa có độ mềm dẻo và bóng mịn.

Tùy vào lượng thịt xay nhiều hay ít mà bạn chọn loại máy xay phù hợp. Nếu chỉ xay thịt với lượng nhỏ 1-2 mẻ thì bạn có thể dùng máy xay đa năng của gia đình. Còn nếu bạn muốn làm dư ra để kinh doanh, buôn bán thêm thì nên tham khảo các dòng máy xay giò chả chuyên dụng sẽ cho năng suất và chất lượng giò sống tốt hơn. Dù là xay 1-2 hay cả chục cân thịt thì sử dụng máy xay giò có khoang đá lạnh, bạn chỉ cần thêm nước đá 1 lần và xay trong 2 phút là xong một mẻ.

Xay giò sống bằng máy xay giò chả NEWSUN

Bước 4: Gói giò bằng khuôn

Xếp lá chuối vào khuôn, dùng 2-3 lớp lá chồng xéo lên nhau. Múc giò sống cho vào giữa, dàn đều và gập kín 2 đầu lại. Dùng dây buộc giò theo chiều dọc và ngang, hơi xiết nhẹ.

Bước 5: Hấp giò lụa

Xếp giò lên xửng hấp, bật bếp hấp khoảng 30-45 phút tính từ khi nước sôi (hạ lửa) cho giò chín đều cả trong lẫn ngoài. Sau đó tắt bếp, để cho ráo nước.

Bước 6: Thưởng thức thành phẩm

Giò lụa hấp chín có thể sử dụng được ngay. Bạn cắt thành từng khoanh tròn vừa ăn, phần còn lại bọc kín để ngăn mát có thể bảo quản được trong một tuần.

Món giò lụa thơm ngon, giòn dai

Khoanh giò có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt mịn màng, không bị khô cứng hay bã. Giò có mùi hương đặc trưng của thịt và lá chuối tươi, ăn vào cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của thịt heo, có thể thưởng thức cùng một ít muối tiêu hoặc nước mắm cho thêm đậm đà, đưa cơm.

2. Cách làm Giò xào (giò thủ)

Đây là món ăn truyền thống có nguồn gốc từ miền Bắc và xuất hiện trong hầu hết các mâm cơm gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền. Giò xào có hương vị hấp dẫn, ngon ngọt của thịt sụn, chấm với nước mắm tiêu cay lại ăn kèm với dưa chua nữa thì hết xảy.

2.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1/2 cái đầu heo
  • 1 cái lưỡi heo
  • 1 cái bắp giò
  • 100gr mộc nhĩ
  • 5 củ hành tím
  • 50gr hành tím băm
  • 4 muỗng canh tỏi băm
  • 1 củ gừng
  • Gia vị: nước mắm, đường, muối, hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay, tiêu hạt,…

Nguyên liệu làm giò thủ, giò tai

2.2 Các bước làm giò thủ, giò tai

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Sử dụng muối hạt và chanh để khử nhớt và mùi hôi của thịt heo.

Ngâm mộc nhĩ vào tô nước ấm trong khoảng 15 phút cho mềm rồi rửa sạch, cắt bỏ gốc. Thái sợi to khoảng 1/3 lóng tay.

Rang tiêu hạt với lửa nhỏ khoảng 4-5 phút cho thơm mùi. Gừng, hành tím gọt vỏ, rửa sạch rồi đập dập.

Bước 2: Luộc đầu heo, tai và giò heo

Cho đầu, tai và giò heo đã sơ chế vào luộc với gừng, hành tím đập dập. Nêm 1/2 muỗng canh muối, 1 muỗng canh hạt nêm và đun với lửa vừa khoảng 10-15 phút cho chín.

Bước 3: Thái thịt

Thịt sau khi luộc chín, vớt ra đem ngâm vào nước lạnh khoảng 10 phút để không bị thâm và giòn hơn. Cắt lát mỏng toàn bộ phần thịt vừa luộc rồi cho vào tô.

Bước 4: Ướp gia vị thịt

Cho vào tô thịt 50gr hành tím, 4 muỗng canh tỏi băm, 2 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh đường, 1/2 muỗng canh bột ngọt, 1/2 muỗng canh muối và 3 muỗng cà phê tiêu xay. Đeo găng tay để trộn đều thịt cùng gia vị, ướp khoảng 15-20 phút cho gia vị ngấm đều.

Bước 5: Xào thịt

Chia thịt làm 2 phần bằng nhau và xào lần lượt từng phần.

Xào thịt với lửa vừa trong 5-10 phút đến khi thịt nóng chảy mỡ thì hạ nhỏ lửa xuống. Nêm 1,5 muỗng canh nước mắm rồi đảo đều tay, xào ở lửa nhỏ khoảng 15 phút, sau đó cho 1/2 chỗ mộc nhĩ đã cắt sợi vào, đảo thêm 5 phút rồi xúc ra bát. Tương tự như vậy với phần thịt còn lại.

Bước 6: Gói giò thủ

Chuẩn bị chai nhựa loại 1,5 lít, cắt bỏ nửa trên và lồng túi nilon vào bên trong. Cho thịt xào còn nóng vào trong chai để tạo hình. Cứ mỗi 1 vá thịt thì rắc 3-4 hạt tiêu và nén xuống cho thịt dính chắc vào nhau. Tiếp tục đến khi đầy chai thì cột túi nilon lại.

Để đến khi giò nguội thì cắt bỏ lớp túi nilon cũ, thay bọc mới rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để giò đông lại. Đến khi dùng thì lấy giò cắt các khoanh vừa ăn.

Giò thủ ngon thơm, giòn sần sật

Giò thủ dai, giòn và chắc thịt, không quá nhiều mỡ. Phần thịt tai và mộc nhĩ giòn sần sật, gia vị nêm vừa ăn, có thể chấm thêm nước mắm tiêu cay hoặc tương ớt tuỳ khẩu vị mỗi người.

3. Cách làm Chả bò (giò bò)

Giò bò, chả bò là món ăn đậm đà, thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất xứ Quảng. hướng dẫn làm giò bò cũng không quá phức tạp, bạn có thể tự làm tại nhà vẫn đảm bảo được hương vị, độ giòn dai mà không dùng đến hàn the như ở ngoài hàng.

3.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1kg thịt bò
  • 200gr mỡ lợn
  • 1 muỗng canh thì là băm
  • 1 củ tỏi
  • 1 muỗng canh bột nổi
  • 2 muỗng canh bột bắp
  • 100gr đá bào
  • Gia vị: nước mắm, đường, tiêu, bột ngọt,…

Dụng cụ: lá chuối, dây buộc, dao, chén bát, thớt, máy xay, nồi hấp, khuôn giò, nilon (chịu nhiệt cao),…

Nguyên liệu làm giò bò

3.2 Các bước làm giò bò ngon, dai, không hàn the

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Thịt bò mua về làm sạch, thái nhỏ và bỏ lên ngăn đông tủ lạnh khoảng 1-2 tiếng. Mỡ lợn cắt riêng ra khoảng 50g, số còn lại đem thái nhỏ, cho vào tủ đông 1-2 tiếng. Thịt thái càng nhỏ lát xay sẽ càng đều và nhanh hơn.

Cho 50g mỡ vào nồi luộc sơ với 1 muỗng canh đường trong 3 phút. Vớt ra để nguội bớt rồi thái nhuyễn, sau đó cho 1 muỗng canh đường vào trộn đều, để ngoài khoảng 1 tiếng cho mỡ se lại làm chả sẽ giòn ngon hơn.

Rau thì là rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ. Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.

Lá chuối rửa sạch, luộc qua để mềm lá và không bị gãy khi gói. Hoặc bạn có thể hơ qua lửa cho lá chuối mềm, dễ gói hơn.

Bước 2: Xay nhuyễn thịt

Cho hết phần thịt bò vào máy xay để xay nhuyễn. Mỗi lần bấm máy giữ khoảng 15-20 giây sau đó nghỉ một chút để máy không bị nóng, ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Cứ như vậy cho đến khi thịt nhuyễn sánh mịn, sau đó cho vào hộp bỏ lên ngăn đông tủ lạnh.

Lấy phần mỡ heo cho vào máy xay nhuyễn. Cho cả phần thịt bò trên vào xay chung cho đều hỗn hợp. Nêm 30ml nước mắm, 1 thìa cà phê đường và 1/3 thìa cà phê bột ngọt.

Đập nhỏ 2 cục nước đá rồi cho vào máy xay chung khoảng 10 giây. Sau đó mở nắp, dùng đũa đảo nhẹ cho tơi thịt rồi xay tiếp thêm 2 lần nữa cho thịt dẻo mịn. Cho vào 2 muỗng canh bột bắp và 1 muỗng canh bột nổi.

Bước 3: Ướp giò bò

Cho toàn bộ giò sống đã xay, rau thì là, mỡ và tỏi băm vào thau sạch, trộn đều cho hỗn hợp hòa quyện.

Bước 4: Gói giò bò

Trải lá chuối lên mặt phẳng, xếp 2-3 lớp lá chồng chéo lên nhau, lót bên dưới là lớp nilon. Phết một lớp dầu ăn lên lá chuối rồi múc thịt vào giữa lá và cuốn thật chặt tay.

Gập kín 1 đầu lại, dựng đứng giò lên, cắt bớt phần lá dư rồi dùng tay ấn giò gập nốt đầu kia lại. Dùng dây buộc giò theo chiều dọc và ngang, hơi xiết nhẹ.

Bước 5: Hấp giò bò, chả bò

Tương tự như cách hấp chả lụa, bạn xếp giò lên xửng, bật bếp hấp khoảng 30-45 phút tính từ khi nước sôi (lửa nhỏ) cho giò chín đều cả trong lẫn ngoài. Sau đó tắt bếp, để ráo nước.

Nếu bạn có dự định kinh doanh mặt hàng giò chả, xúc xích thì nên sử dụng các dòng tủ hấp giò chả chuyên dụng để đạt năng suất và chất lượng giò tốt nhất. NEWSUN hiện đang cung cấp các mẫu tủ hấp từ 6 khay đến 24 khay, tương ứng mức sản lượng từ 36-144kg giò/mẻ, các bạn có thể tham khảo!

Bước 6: Thưởng thức thành phẩm

Cắt giò bò thành những miếng mỏng vừa ăn. Phần giò còn lại bạn nên bọc kín, để ngăn mát có thể bảo quản được trong 1 tuần. Nếu để ngăn đông tủ lạnh với nhiệt độ dưới -18 độ C thì giữ được tầm 1 tháng và khi nào ăn, bạn mang chả ra hấp lại là được.

Giò bò, chả bò thơm ngon, đậm đà

Giò bò thơm ngon, giòn dai, đậm đà với vị ngọt tự nhiên của thịt bò và mỡ heo. Bạn có thể thưởng thức cùng một chút nước mắm hoặc muối tiêu, ăn kèm với dưa món, tỏi sống, tương ớt, nem cho thêm đậm đà, đưa cơm.

4. Cách làm Chả lụa gà (giò gà)

Thay vì món chả lụa heo như mọi năm thì Tết năm nay, bạn hãy thử đổi vị với chả lụa gà xem sao. Vẫn cái vị giòn dai, thơm bùi ấy nhưng lại có cái gì đó rất khác biệt.

4.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1,2kg ức gà
  • 500gr thịt ba rọi
  • 4 muỗng canh tinh bột khoai tây
  • 3 muỗng cà phê bột nở
  • 120gr đá lạnh
  • Gia vị: đường, muối, tiêu, dầu ăn, hạt nêm gà, nước mắm, bột ngọt, bột tỏi,…
  • Dụng cụ: máy xay thịt, xửng hấp, lá chuối, màng bọc thực phẩm, dao, thớt, bát tô, đũa thìa,…

Nguyên liệu làm chả lụa gà

4.2 Cách chế biến chả lụa gà đơn giản

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Hòa giấm và muối theo tỉ lệ 2:1 rồi thoa khắp miếng gà và thịt heo, chà xát nhiều lần sau đó rửa sạch lại bằng nước để khử mùi hôi. Sau khi rửa sạch, để ráo nước và cắt khúc nhỏ để lát xay dễ dàng hơn.

Bỏ thịt lên ngăn đá khoảng 40-50 phút đến khi thịt đạt trạng thái gần đông. Làm vậy để khi xay thịt không bị tái chín, mất đi sự kết dính.

Bước 2: Xay nhuyễn thịt

Lấy toàn bộ thịt ra khỏi ngăn đông rồi tiến hành xay nhuyễn thịt. Tùy dung tích cối xay lớn hay nhỏ mà bạn có thể cho hết vào xay trong 1 lần hoặc chia nhỏ ra thành nhiều lần xay, chú ý tỉ lệ thịt trong mỗi mẻ.

Trong quá trình xay cần đảm bảo nhiệt độ của thịt, bấm xay khoảng 10-15 giây thì nghỉ cho thêm một ít nước đá lạnh, xay tiếp 15 giây nữa rồi lại tiếp thêm đá. Cứ như vậy khoảng 2-3 phút cho đến khi thịt chuyển sang màu trắng hồng, sánh mịn.

Bước 3: Làm gia vị ướp thịt

Cho lần lượt vào bát tô 30ml nước mắm, 30gr đường, 1 muỗng cà phê muối, 1/3 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê bột tỏi và 160ml dầu ăn. Khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện.

Bước 4: Quết chả lụa gà

Cho hỗn hợp gia vị trên vào tô thịt xay nhuyễn cùng 1 muỗng cà phê hạt nêm gà. Dùng tay trộn đều cho thịt thấm gia vị.

Chia thịt làm 2 phần, cho lần lượt từng phần vào máy quết ở tốc độ chậm trong khoảng 20 giây. Cho thêm 2 muỗng canh tinh bột khoai tây và 1,5 muỗng cà phê bột nở, tăng dần tốc độ lên mức trung bình – cao và quết trong thời gian 2 phút là hoàn tất.

Bước 5: Gói và hấp chả

Xúc một lượng giò sống vừa đủ đặt lên trên lớp màng bọc thực phẩm, sau đó nắn thành khối trụ. Tiếp theo đặt khối giò lên 1-2 tấm lá chuối xếp xéo rồi cuộn tròn thật chặt tay.

Gập kín 1 đầu lại, dựng đứng giò lên, cắt bớt phần lá dư rồi dùng tay ấn giò gập nốt đầu kia lại. Dùng dây buộc giò theo chiều dọc và ngang, hơi xiết nhẹ.

Cho giò gà vào xửng rồi đặt lên nồi nước sôi, đậy nắp kín và hấp chả trên lửa nhỏ trong 45 phút. Sau đó tắt bếp và để chả trong nồi thêm 15 phút rồi bắc ra ngoài để nguội.

Chả lụa gà giòn giòn, thơm ngọt

Chả lụa gà sau khi hoàn thành có độ dẻo dai, giòn giòn, vừa thơm ngọt lại cực kỳ vừa ăn. Bạn có thể dùng chả kèm với cơm hoặc ăn kèm bánh mì cũng đều rất ngon.

>>> Xem thêm: Giò sống làm món gì ngon? Gợi ý 20+ món ăn hấp dẫn từ giò sống

5. Hướng dẫn làm giò me (giò bê)

Giò me là đặc sản của vùng đất Nghệ An có độ thơm ngon không thua kém bất cứ loại giò nào. Giò me thường được dùng trong mâm cơm cỗ ngày Tết và đặc biệt, trẻ em hay người lớn đều rất thích món giò hấp dẫn này.

5.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1kg thịt bê
  • 1/2 củ tỏi
  • 1 củ gừng nhỏ
  • 800ml rượu trắng
  • 1/2 muỗng cà phê bột nở
  • 2 muỗng cà phê tiêu
  • 3 miếng lá chuối

Nguyên liệu làm giò me

5.2 Cách chế biến Giò me chuẩn người Nghệ An

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Thịt bê rửa sạch, ngâm vào 800ml rượu trắng trong 15 phút để khử mùi hôi, sau đó tráng lại với nước và để ráo. Có thể thay rượu bằng muối hạt để khử mùi.

Tỏi, gừng băm nhỏ, cho một ít nước vào để lấy nước cốt.

Lá chuối rửa sạch, thấm khô nước, đem phơi cho héo hoặc luộc sơ cho mềm. Dây lạt ngâm nước ấm cho mềm để dễ cột.

Bước 2: Ướp thịt

Khứa sâu thịt bê để thịt mau thấm gia vị. Ướp với 1/2 muỗng cà phê bột nở, 2 muỗng cà phê hạt nêm và 2 muỗng cà phê tiêu.

Thoa đều nước cốt tỏi gừng lên miếng thịt bê. Để ít nhất khoảng 3 tiếng cho thịt thấm gia vị.

Bước 3: Gói giò me

Xếp lá chuối rồi đặt miếng bì lên trên, tiếp đó là thịt bê tẩm ướp gia vị. Cuộn thật chặt tay giống như cách cuộn các loại giò truyền thống. Dùng dây lạt cột giò lại theo chiều dọc và ngang.

Bước 4: Hấp giò me

Cho giò vào xửng hấp khoảng 6-7 tiếng kể từ khi nước sôi. Hấp xong để nguội rồi cho vào tủ lạnh khoảng 3 tiếng là có thể ăn được.

Một lưu ý nhỏ khi châm thêm nước, bạn nên sử dụng nước nóng để giò được chín đều hơn và luôn giữ nhiệt độ ổn định cho nồi hấp.

Bước 5: Thưởng thức thành phẩm

Thịt được hấp nên không bị khô, giữ nguyên độ ngọt và màu hồng chín đều, ngon mắt. Khi ăn có vị ngọt mềm, hương vị thơm ngon không thể cưỡng lại được.

Giò me ngọt mềm ăn cùng tương ớt

6. Cách làm Giò bì, giò bì lợn

Giò bì là đặc sản của vùng đất Hưng Yên. Loại giò này khá giống với chả lụa nhưng hương vị sẽ đậm đà và ăn “vui mồm” hơn khi có thêm bì lợn bên trong.

6.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 300gr giò sống
  • 200gr da heo (bì lợn)
  • 3 củ hành tím
  • 2 muỗng canh bột mì
  • Vài cọng hành lá, ngò rí
  • Lá chuối hoặc giấy bạc
  • Gia vị: đường, bột ngọt, tiêu xay,…

6.2 Các bước làm giò bì lợn

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Bì lợn cạo lông, rửa sạch, luộc qua nước sôi cho săn lại. Sau đó vớt cho vào tô nước lạnh để bì nhanh nguội và tạo độ giòn. Ngâm xong lấy ra rửa sạch lại lần nữa, cho vào rổ để ráo. Thái bì lợn thành sợi dày khoảng 5mm.

Ngò rí, rau mùi cắt bỏ gốc, rửa sạch và thái nhỏ. Hành tím thái lát, phi thơm vàng xong vớt ra để ráo dầu.

Lá chuối rửa sạch, đem phơi nắng 2 giờ cho hơi héo hoặc trụng nước sôi 2-3 phút cho lá chuối được dai, mềm, gói không bị rách. Nếu không có lá chuối bạn thay thế bằng giấy bạc.

Bước 2: Trộn giò bì

Cho giò sống, bì lợn, hành lá, ngò rí, hành phi cùng 2 muỗng canh bột mì, 1/2 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt và 1/2 muỗng cà phê tiêu xay vào tô, trộn đều. Dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, ướp trong 30 phút cho gia vị thấm đều.

Trộn giò bì

Bước 3: Gói giò bì

Trải 1 lớp màng bọc thực phẩm lên mặt phẳng, đặt lá chuối lên trên, cho giò vào giữa, gói lại theo hình trụ hoặc hình vuông tùy ý. Dùng dây buộc chặt lại.

Bước 4. Hấp giò bì lợn

Bắc xửng lên bếp, cho giò bì lợn vào hấp chín trong khoảng 30 phút kể từ khi nước sôi. Khi giò chín, bạn lấy ra để nguội rồi bóc bỏ lớp màng bọc, để không cho giò nguội và ráo nước.

Giò bì lợn dai dai, ngon ngọt

Giò có màu trắng ngà, hồng hồng kèm theo những nốt trong trong của bì heo trên lát cắt. Các món như bánh mì Việt Nam, bánh ướt, bánh cuốn,… thường sử dụng loại chả bì này bởi hương vị đậm đà nên ăn kèm sẽ rất hợp lý.

7. Cách làm Chả quế

Chả quế hay còn gọi là chả quế ước lễ, là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của những gia đình miền Bắc. Với công thức dễ làm và nguyên liệu dễ kiếm, bạn hoàn toàn có thể tự làm chả quế tại nhà theo hướng dẫn sau đâu.

7.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 800gr thịt ba chỉ
  • 200gr thịt nạc
  • 70gr bột bắp
  • 7gr bột nở
  • 10gr bột quế
  • Gia vị: dầu ăn, nước mắm, đường, tiêu xay,…

7.2 Cách chế biến chả quế

Bước 1: Sơ chế và ướp thịt

Lấy muối hột chà xát bề mặt thịt trong khoảng 3 phút để khử mùi hôi, sau đó đem rửa sạch lại với nước. Cắt thịt thành từng miếng khoảng 4cm rồi đem trộn chung với 40gr đường, 10gr tiêu và 80ml nước mắm. Để khoảng 30 phút cho thịt ngấm gia vị.

Ướp gia vị thịt làm chả quế

Tiếp theo bỏ thịt vào túi zip, cất lên ngăn đá từ 2-3 tiếng. Nên đặt túi nằm ngang và dàn đều thịt ra, như vậy thịt sẽ lạnh đều và nhanh đông hơn.

Bước 2: Xay thịt

Bạn nên xay ngay lúc mới lấy thịt ra từ tủ đá để thịt nhuyễn hơn và không bị chín nhiệt do ma sát tạo ra trong lúc xay.

Hoà bột bắp và bột nở với 100ml nước. Sau đó đổ vào trong máy xay để trộn chung với thịt. Cho tiếp bột quế và dầu ăn vào trộn chung với thịt bằng máy xay.

Quét 1 lớp dầu ăn mỏng lên đĩa sứ để chống dính, sau đó lấy hết thịt xay bỏ ra đĩa.

Bước 3: Hấp chả

Xếp chả lên xửng và hấp trong khoảng 40 phút kể từ khi nước bên dưới sôi, bạn dùng đũa cắm vào mà thịt không chảy nước là chả đã chín.

Bước 4: Chiên chả

Chiên chả trong nồi chiên ở mức nhiệt 120 độ C từ 15-20 phút, đến khi thấy chả vàng hết toàn bộ bề mặt thì vớt ra để ráo dầu.

Bước 5: Thưởng thức thành phẩm

Chả có màu vàng đậm của lớp vỏ bên ngoài và màu vàng nhạt bên trong. Khi thưởng thức thì mềm dai, thơm nồng mùi quế, tiêu và có vị ngọt thanh của thịt. Miếng chả dai nhưng không bị cứng, vẫn mềm và giữ được nước bên trong.

Chả quế vàng thơm ngon

Chả có thể ăn trực tiếp, ăn kèm cơm, bánh cuốn,… hoặc làm các món khác như chả quế sốt cà chua, chả quế kho thịt, chả quế rim tiêu,…

Ngoài cách chiên chả như trên, ở các quán ăn hay nhà hàng, chả quế thường được nướng trên than củi hoặc máy nướng chả quế dùng điện sẽ cho hương vị thơm ngon và đúng chuẩn hơn. Nếu bạn đang có ý định làm chả kinh doanh thì có thể tham khảo.

8. Cách làm Giò chay nấm

Nấm được xem là một loại thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, thường dùng để chế biến các món chay. Nếu bạn đã cảm thấy chán giò thịt thì Tết này hãy thử làm thêm ít giò chay xem sao nhé!

8.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 220gr nấm hương
  • 2 thìa bột rau câu
  • Hành, tỏi băm
  • Gia vị: đường, muối, nước mắm, hạt tiêu, bột ngọt, dầu ăn,…

8.2 Các bước chế biến giò chay nấm hương

  • Pha bột rau câu với tỉ lệ 300ml nước nóng và 2 thìa bột rau câu. Khuấy đều cho bột nở ra.
  • Nấm hương rửa sạch với nước ấm, cắt bỏ cuống rồi đem ngâm nước muối và cắt sợi nhỏ.
  • Bắc chảo lên bếp, đun dầu sôi rồi cho hành tím, tỏi băm vào phi thơm. Đến khi dậy mùi thì cho nấm hương vào xào, đảo trong 2-3 phút. Cho thêm 2-3 thìa bột nêm, 2 thìa đường vào đảo đều tay để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau. Khi nấm chín mềm, cho thêm bột rau câu vào đảm đều và nửa thìa tiêu rồi tắt bếp.
  • Dùng túi nilon bọc ngoài 1 lớp giấy bạc để lót khuôn, đổ nấm vừa xào vào, nén chặt rồi cố định bằng dây thun. Để ngoài cho giò nguội rồi để vào ngăn mát tủ lạnh cho đông lại.

Giò chay có vị giòn ngọt của nấm hương kèm với mùi thơm của hành tỏi phi và hạt tiêu xay. Bảo quản trong ngăn mát đối với khoảng thời gian tối đa từ 5 -7 ngày.

Giò chay nấm hương

>>> Xem thêm: Tổng hợp 12 cách nấu xôi ngon và đơn giản ai cũng làm được

Trên đây là tổng hợp 8 cách làm giò ngon cùng công thức đơn giản dễ làm. Tết này, hãy cùng vào bếp trổ tài cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé!

Thời điểm cận Tết cũng là dịp lý tưởng để kinh doanh các mặt hàng giò chả lụa, xúc xích, nếu bạn cần mua máy móc hỗ trợ như máy thái thịt, máy xay giò, khuôn làm, tủ hấp, máy đùn xúc xích, máy buộc chỉ xúc xích, tủ xông khói,… hãy liên hệ với NEWSUN để mua được thiết bị chính hãng, chất lượng với giá phải chăng nhất.

NEWSUN rất hân hạnh được phục vụ Quý khác hàng!

Điện máy thực phẩm NEWSUN

Bình luận

Xem tất cả

Chưa có bình luận nào

Viết bình luận