Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh quán ăn cần chuẩn bị những gì?

Kinh doanh quán ăn là mảnh đất chưa bao giờ hết màu mỡ. Để đặt chân vào ngành hàng đầy thử thách này, bên cạnh việc phải có nguồn vốn, kiến thức và kinh nghiệm, bạn còn phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy phép pháp lý theo quy định. Vậy những loại giấy phép đó là gì? Thủ tục hồ sơ xin giấy phép kinh doanh quán ăn cần chuẩn bị những gì? Cùng NEWSUN tìm hiểu chi tiết nhé!

Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh quán ăn - Kiến thức kinh doanh

Một quán ăn có đầy đủ các giấy phép kinh doanh theo quy định sẽ được coi là hợp pháp và được bảo hộ pháp lý. Ngược lại, nếu quán ăn không có giấy phép kinh doanh sẽ được coi như hoạt động trái phép và bị xử phạt theo từng mức độ.

Tùy vào mỗi mô hình nhà hàng, quán ăn lại có thêm những yêu cầu khác nhau về thủ tục, tuy nhiên tựu chung lại, bạn cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau đây:

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quán ăn

Loại giấy phép được nhắc đến đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, bắt buộc phải có dù kinh doanh bất kỳ loại hình gì, đó là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây là sự ghi nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền, chứng nhận sự ra đời của một chủ thể kinh doanh và chỉ những đơn vị nào có đủ điều kiện kinh doanh mới được xét duyệt hồ sơ.

Trước khi làm thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quán ăn, bạn cần xác định xem mình muốn kinh doanh hộ cá thể hay doanh nghiệp bởi bản chất của 2 loại hình này khác nhau và hồ sơ đăng ký cũng khác nhau hoàn toàn.

Thông thường, những quán ăn, nhà hàng quy mô vừa và nhỏ đa phần có hoạt động kinh doanh và cơ cấu tổ chức không quá phức tạp nên chủ yếu sẽ thành lập hộ kinh doanh.

Xem thêm:

Kinh doanh quán ăn đông khách

Hồ sơ đăng ký Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Theo khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
  • Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
  • Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy đăng ký hộ kinh doanh

Bước 1: Nộp hồ sơ. Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

  • Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính – Kế hoạch.
  • Nộp hồ sơ qua Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh/thành phố nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh;

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ;

Bước 3: Nhận kết quả,

  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho người thành lập hộ kinh doanh.
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

Theo quy định, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh sẽ được giải quyết trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Lệ phí giải quyết do HĐND cấp tỉnh quyết định (theo Thông tư 85/2019/TT-BTC). Thông thường, lệ phí giải quyết là 100.000 đồng/lần.

Trong khi đó, nếu bạn muốn kinh doanh nhà hàng, quán ăn theo hình thức thành lập hẳn một doanh nghiệp thì hãy tìm đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có quy định các giấy tờ, hồ sơ đăng ký khác nhau, phức tạp hơn so với đăng ký hộ kinh doanh. Do vậy, bạn nên xác định rõ loại hình doanh nghiệp muốn thành lập và tìm hiểu kỹ về thủ tục, giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký thành lập.

>>> Xem thêm:

Giấy chứng nhận dăng ký hộ kinh doanh cho quán ăn, nhà hàng vừa và nhỏ

Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Nếu như giấy phép đăng ký kinh doanh là điều kiện cần của mọi loại hình kinh doanh nói chung thì riêng trong ngành dịch vụ ăn uống bắt buộc phải có thêm Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để nhà hàng, quán ăn hoạt động chính thống. Giấy phép An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho nhà hàng được cấp sau giấy đăng ký kinh doanh của nhà hàng

Theo Điều 11, 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có Giấy phép VSATTP khi hoạt động, trừ một số trường hợp sau: sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;…

Kinh doanh quán ăn được xếp vào ngành hàng dịch vụ ăn uống và không nằm trong các trường hợp ngoại lệ. Việc được ghi nhận là cơ sở kinh doanh an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là thủ tục hành chính để nhà hàng không gặp rắc rối khi thanh tra sau này mà còn là một minh chứng để khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ của họ.

Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

Không hề đơn giản để xin được Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Để được cấp loại giấy này, chủ kinh doanh cần đáp ứng được hết các điều kiện khắt khe như:

  • Chứng minh được nguồn gốc và xuất xứ nguyên liệu rõ ràng, minh bạch hạn sử dụng,…;
  • Chứng minh được độ an toàn của các loại chất phụ gia, hóa học theo quy chuẩn của Bộ Y tế;
  • Đảm bảo điều kiện vệ sinh thiết bị, cơ sở vật chất trong nhà hàng/quán ăn;
  • Đảm bảo kiểm tra sức khỏe nhân viên định kỳ;
  • Có chứng nhận tập huấn về an toàn thực phẩm;
  • Chứng minh nhà hàng không thuộc khu vực cống rãnh bị ứ đọng, không thoát nước,…

>>> Xem thêm:

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Căn cứ Nghị Định 155/2018/NĐ-CP, các giấy tờ cần có trong bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp);
  • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
  • Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Căn cứ theo Điều 36 Luật An toàn thực phẩm, trình tự và thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định như sau:

  • Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 35 Luật An toàn thực phẩm;
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm có thời hạn 03 năm kể từ ngày đăng ký. Điều đó có nghĩa là, chu kỳ 3 năm 1 lần, chủ kinh doanh sẽ cần phải chứng minh lại một lần nữa để xác nhận quán ăn của mình đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

>>> Xem thêm:

Một số loại giấy phép kinh doanh quán ăn khác

  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy (thực hiện các thủ tục như tập huấn kiến thức PCCC cho nhân viên, xây dựng phương án PCCC, lắp đặt phương tiện, trang thiết bị PCCC theo quy định và sau đó nộp hồ sơ lên cơ quan cảnh sát PCCC có thẩm quyền);
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu – thương hiệu độc quyền (đối với các cá nhân hay tổ chức kinh doanh thì đây là việc làm tiên quyết để đảm bảo độc quyền sở hữu nhãn hiệu);
  • Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ (nếu có kinh doanh thêm rượu);
  • Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá trong nhà hàng (nếu có kinh doanh thêm thuốc lá);
  • Giấy phép xả thải (Không phải bất cứ nhà hàng, quán ăn nào cũng phải xin giấy phép xả thải vào nguồn nước. Chỉ những nhà hàng, quán ăn có lưu lượng xả thải 5m3/ngày đêm mới thuộc diện xin giấy phép xả thải);…

Tùy vào từng loại giấy tờ sẽ có thủ tục, hồ sơ xin giấy phép kinh doanh quán ăn khác nhau. Bạn hãy tham khảo các đơn vị uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực pháp lý để hoàn thành nhanh trọn bộ các giấy tờ pháp lý cho nhà hàng, quán ăn của mình. Quán ăn đi vào hoạt động một cách hợp pháp theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, nhập gia tùy tục, quán ăn của bạn cũng cần tuân thủ các quy định về trật tự xã hội của địa phương, các quy định về chỗ gửi xe của khu vực.

Bài viết trên đây, NEWSUN đã đưa ra cho bạn những loại giấy tờ cần thiết và thủ tục, hồ sơ xin giấy phép kinh doanh quán ăn để bạn có được sự chuẩn bị kỹ càng hơn trong việc đăng ký kinh doanh hợp pháp. Hy vọng những thông tin trên sẽ góp phần giúp bạn có được bước đi vững chắc để kinh doanh quán ăn thành công!