Hướng dẫn mở quán phở cho người mới – Kiếm bạc triệu mỗi ngày
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn mở quán phở cũng như giải đáp các thắc mắc: cần bao nhiêu vốn, chuẩn bị những thiết bị, vật dụng gì và lên kế hoạch, quy trình ra sao,… để kinh doanh quán phở thành công.
Từ lâu, bún phở đã trở thành món ăn truyền thống được người dân Việt đặc biệt ưa thích bởi hương vị thơm ngon, đậm đà và phù hợp cho mọi bữa ăn. Chính vì vậy, kinh doanh quán phở được xem là tiềm năng, đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho người đầu tư và không bao giờ lỗi thời. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thành công mà cần phải có bí quyết riêng để tồn tại và phát triển trước nhiều đối thủ. Vậy với những người mới bắt đầu, đang lấn sân vào thị trường này sẽ cần phải làm những gì? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau!
Xem thêm: 5 Bí quyết mở quán ăn sáng siêu hút khách cho người mới bắt đầu!
Kinh doanh quán phở cần chuẩn bị những gì?
Nội Dung
- 1 Kinh doanh quán phở cần chuẩn bị những gì?
- 2 Hướng dẫn mở quán phở – Xác định mô hình kinh doanh
- 3 Mở quán phở cần bao nhiêu vốn? Chi phí bao nhiêu là đủ?
- 4 Xây dựng kế hoạch kinh doanh rõ ràng, càng chi tiết càng tốt
- 5 Bỏ túi những kinh nghiệm mở quán phở thành công
- 6 Mở quán phở có cần giấy phép kinh doanh không?
Để đi từ ý tưởng đến việc hiện thực hóa ý tưởng, bạn cần chuẩn bị rất nhiều thứ, bỏ cả thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Cụ thể như kinh doanh quán phở, người đầu tư sẽ cần chuẩn bị vốn, mặt bằng kinh doanh, mua sắm trang thiết bị dụng cụ, thuê nhân công,… hay các thứ vô hình khác như kiến thức hiểu biết, công thức nấu phở, `chiến lược kinh doanh, kế hoạch quản lý tài chính,…
Đừng quên gạch đầu dòng rõ ràng những thứ cần chuẩn bị khi mở quán phở. Điều đó sẽ giúp bạn trang bị hành trang vững chắc hơn trước khi bắt tay vào kinh doanh, đồng thời chủ động hơn trong mọi tình huống có thể xảy ra.
Hướng dẫn mở quán phở – Xác định mô hình kinh doanh
Việc xác định mô hình kinh doanh quán phở giống như tìm ra kim chỉ nam cho hoạt động kinh doanh của quán. Để làm được điều này cần trả lời chi tiết cho câu hỏi: Đối tượng khách hàng mục tiêu của quán là ai? Bước đầu cần nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh cũng như thị hiếu của khách hàng và phân đoạn thị trường thành những tệp khác nhau dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, giới tính, thu nhập, thói quen,… Tiếp theo đó sẽ chọn ra một tệp khách hàng tiềm năng mà quán có thể đáp ứng nhu cầu một cách tốt nhất. Cụ thể:
– Nếu mở quán phở để phục vụ cho đối tượng khách hàng bình dân, nhu cầu ăn sáng, ăn trưa thường ngày thì mô hình kinh doanh của quán sẽ đơn giản, không cần bày trí quá cầu kỳ. Điều này là bởi khách hàng đến quán chủ yếu không có quá nhiều thời gian, chọn quán với tiêu chí phục vụ nhanh, ngon, giá rẻ và do đó không quá quan tâm đến không gian hay hình thức trang trí.
– Với đối tượng khách hàng cao cấp hơn như khách nước ngoài, khách du lịch hay phân khúc khách hàng thu nhập cao thì khi mở quán phở sẽ chú trọng hơn đến mặt không gian và phong cách bài trí. Quán cần có không gian rộng rãi, thoáng mát, bày trí bàn ghế đảm bảo tính riêng tư cho khách hàng khi đang dùng bữa, đồng thời cần tạo điểm nhấn với cách trang trí mới lạ, độc đáo, mang đậm bản sắc Việt.
Mở quán phở cần bao nhiêu vốn? Chi phí bao nhiêu là đủ?
Bất kỳ một công việc kinh doanh nào không riêng mở quán phở cũng cần đầu tư rất nhiều các loại phí khác nhau khiến không ít người “đau đầu” trong việc tính toán. Sẽ có những khoản chi cố định cần đầu tư ngay từ ban đầu và các chi phí khác có thể thay đổi theo thời gian.
Hướng dẫn mở quán phở – Các khoản chi cố định
Chi phí thuê mặt bằng
Khoản chi cố định đầu tiên và cũng tốn kém nhất chính là chi cho mặt bằng mở quán. Mặt bằng là yếu tố cực quan trọng trong việc kinh doanh hàng quán, đặc biệt là quán phở bán tại chỗ. Một vị trí “đắc địa”, thu hút khách hàng sẽ cần rất nhiều chi phí để đầu tư và đây cũng là sai lầm thường thấy của các quán kinh doanh mới, họ thường “rót cạn vốn” cho việc thuê mặt bằng.
Hãy tính toán thật kỹ lượng khách và quy mô quán để chọn vị trí và diện tích mặt bằng thuê cho phù hợp. Ngoài ra cũng cần tham khảo nhiều vị trí khác nhau cũng như giá cho thuê mặt bằng chung để đưa ra lựa chọn chính xác.
Thông thường, chi phí thuê mặt bằng có thể từ 10-15 triệu đồng cho diện tích từ 30-50m2. Người đi thuê sẽ cần đặt cọc trước từ 3-6 tháng tùy theo thỏa thuận cho thuê. Vậy tính ra chi phí đầu tư mặt bằng ban đầu sẽ rơi vào khoảng 30-90 triệu đồng, chi phí này còn tùy thuộc vào vị trí mở quán ở vùng ven hay nội thành, mặt bằng lớn hay nhỏ,…
Chi phí cơ sở vật chất tại quán phở
Nội thất bên trong quán sẽ giúp định hình phong cách mà quán muốn hướng đến. Nếu quyết định kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, bàn ghế sẽ cần đầu tư tốt hơn.
Với mặt bằng khoảng 30-50m2, kê được 6-10 bộ bàn ghế và có sức chứa khoảng 24-40 người. Bộ bàn ghế inox mới 100% có giá dao động trong khoảng từ 500.000-800.000 đồng/bàn và giá ghế tính riêng từ 60.000-80.000 đồng/chiếc. Bàn ghế gỗ thì có giá rơi vào khoảng 1.200.000 đồng cho một bộ gồm 1 bàn và 4 ghế. Nếu bạn mua được đồ thanh lý, sau đó sơn lại thì vẫn đảm bảo chất lượng mà có thể tiết kiệm được 20-40% số tiền so với mua mới.
Dù không gian quán nhỏ hay lớn đều cần trang bị hệ thống quạt hoặc điều hòa để tạo bầu không khí mát mẻ, dễ chịu, đặc biệt là vào những ngày mùa hè nóng bức.
- Đối với quạt, nên chọn loại quạt treo tường vừa mát trên diện rộng lại tiết kiệm không gian, giá dao động từ 200.000-400.000 đồng/cái. Với diện tích trung bình 50m2 sẽ cần lắp đặt khoảng 4 chiếc quạt treo tường.
- Với điều hòa, chi phí đầu tư cho một chiếc điều hòa trong khoảng 6-10 triệu đồng. Thiết bị này vừa giúp mang đến hơi lạnh mát mẻ vừa giúp lọc không khí, giữ cho không gian sạch sẽ, không quá ám mùi. Quán 50m2 sẽ cần lắp khoảng 2 -3 chiếc điều hòa.
Bên cạnh đó, mặt bằng quán khi thuê lại sẽ cần sửa sang sao cho phù hợp với mô hình kinh doanh của quán. Có thể phát sinh chi phí sơn, trang trí và mua thêm các đồ dùng, vật dụng bày trí. Ngoài ra còn cần đầu tư một khoản để làm biển hiệu, lắp thêm đèn, thiết kế menu,…
Thiết bị, dụng cụ nấu phở và ăn uống
Trước đây, các quán phở thường sử dụng chủ yếu bếp than để tiết kiệm chi phí. Thế nhưng phương pháp này đã dần được thay thế bởi các loại bếp công nghiệp, bộ nồi điện nấu phở chuyên dụng (gồm nồi ninh xương, nồi nấu nước dùng, nồi nhúng bánh phở) với chi phí dao động từ 8-12 triệu đồng.
Ngoài ra, căn bếp của quán cũng sẽ cần trang bị thêm nhiều thiết bị, dụng cụ khác như: bát, đũa, muỗng, các loại chai lọ đựng gia vị, dao thớt, rổ rá, tủ lạnh, tủ mát bảo quản,…
Dụng cụ ăn uống cho khách hàng sẽ không thể thiếu bát đũa, thìa, lọ gia vị, hộp khăn giấy, hộp đựng tắm, rổ đựng rau, bộ ấm chén,…
Hướng dẫn mở quán phở – Các khoản chi biến đổi
Bên cạnh các khoản chi cố định ban đầu là khoản chi biến đổi, tiền dùng để mua các nguyên liệu nấu phở như thịt, bánh phở, các loại tương, rau, giá,…
Khoản chi cho nguyên liệu là khoản phí dao động từng ngày phụ thuộc vào lượng khách tối đa mà quán phục vụ. Nếu một ngày quán phở chỉ phục vụ dưới 100 khách thì chi phí nhập nguyên liệu tươi sống mỗi ngày sẽ dao động từ 3-5 triệu đồng. Các nguyên liệu dễ bảo quản như bún miến khô, mì khô hay rau tươi có thể mua trữ số lượng lớn dùng trong nhiều ngày liên tục.
Như vậy, với dự trù kinh phí tham khảo như trên, những người muốn mở quán phở kinh doanh có thể tính được số vốn trung bình cần đầu tư ban đầu ở mức tối thiểu là 50 triệu đồng. Ngoài ra, ở 1-2 tháng đầu hoạt động cần có khoảng dự trù kinh phí thêm khoảng 20%, ít nhất là 10 triệu đồng.
Xem thêm: 14+ mô hình kinh doanh quán ăn thu lãi cao nhất 2022
Xây dựng kế hoạch kinh doanh rõ ràng, càng chi tiết càng tốt
Hướng dẫn mở quán phở cho người mới. Trong thực tế có không ít người đã bỏ qua bước lập kế hoạch chi tiết cho việc mở quán vì chủ quan hoặc ngại mất thời gian dẫn đến thất bại. Do đó để tránh lãng phí nguồn vốn và kinh doanh quán phở thành công các bạn cần phải lập kế hoạch trước khi bắt đầu với các bước chính như:
- Lên ý tưởng về mô hình kinh doanh quán phở và xây dựng thương hiệu (tên quán, logo, bộ nhận diện,…);
- Lên menu, thực đơn cho quán;
- Hoạch định tài chính (nguồn vốn – các khoản phải chi ban đầu, thu – chi theo ngày/tháng/năm…);
- Kêu gọi đầu tư, tài trợ (bước này có thể bỏ qua nếu bạn có thể tự chủ tài chính);
- Chọn mặt bằng, không gian kinh doanh;
- Xin các loại giấy phép kinh doanh;
- Thiết kế không gian quán phở;
- Tìm nhà cung cấp thiết bị và dụng cụ;
- Tuyển dụng và đào tạo nhân viên (quản lý, thu ngân, phục vụ bàn, nhân viên bếp,…);
- Lập kế hoạch marketing, quảng cáo, tổ chức 1 buổi khai trương nhỏ (có thể có hoặc không);
- Quản lý và điều hành quán;
- Lên bản kế hoạch kinh doanh chi tiết theo thời gian (các giai đoạn, tháng/tuần/ngày…)
Trong đó việc xây dựng kế hoạch tài chính là vô cùng quan trọng. Một kế hoạch càng chi tiết càng tốt. Cụ thể như mỗi ngày – tuần – tháng cần phải chi ra bao nhiêu để trả cho các nhà cung cấp, bao nhiêu cho lương nhân viên, thuê nhà và các chi phí khác.
Dựa vào tổng chi, sẽ phải lên kế hoạch cần phải đạt doanh thu bao nhiêu mỗi ngày – tuần – tháng. Tính toán để kinh doanh có lời hoặc đạt được mục tiêu đặt ra trong từng thời điểm. Từ đó đưa ra các ý tưởng, kế hoạch để thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ,…
Nếu không có đủ nguồn tiền xoay vòng và cũng không thể gọi thêm vốn để duy trì quán thì việc phải sang quán là tất yếu và càng sớm càng tốt.
Bỏ túi những kinh nghiệm mở quán phở thành công
Nước dùng – Bí quyết mở quán phở không bao giờ cũ
Kinh nghiệm mở quán phở đầu tiên mà bạn cần nắm được đó là nước dùng phở, bởi cốt lõi khi kinh doanh dịch vụ ăn uống là chất lượng món ăn. Với phở bò, phở gà thì ngoài thịt và bánh phở, nước dùng chính là thành phần quan trọng nhất. Về hình thức, nước dùng chiếm 60% tổng thể tích một tô phở. Đi sâu vào hương vị, nước dùng chính là yếu tố làm hài hòa các thực phẩm. Nước dùng ngon tức là bạn đã nắm trong tay chìa khóa giữa chân thực khách.
Cách nấu nước dùng phở không đơn giản chỉ là ninh hầm xương. Nước xương muốn ngọt đậm phải được nấu với sá sùng, sau đó tiếp tục chế biến cùng các loại thảo mộc, hương liệu đặc trưng. Đầu bếp phải là người am hiểu và căn đo tỷ lệ chính xác. Sử dụng nồi điện hầm xương sẽ đảm bảo được độ thơm ngon và an toàn hơn là dùng nồi than vì sẽ không lo bị ám khói. Mặt khác, thời gian hầm xương nhanh chóng hơn mà vẫn đảm bảo hương vị nước dùng thơm ngon. Bên cạnh đó, cách trang trí lên bát, cách chọn sợi phở và thịt bò tươi ngon cũng quan trọng không kém.
Hiện nay các nguồn thông tin trên mạng rất đa dạng, bạn có thể tìm hiểu cách nấu nước dùng phở bò ngon hoặc đi học thêm những khóa học dạy chuyên sâu để có thể học được những kỹ thuật nấu nướng.
Xem thêm: 10 kinh nghiệm mở quán phở: Đầu tư ít, thu lãi khủng
Hướng dẫn mở quán phở cho người mới: Nước dùng là bí quyết giúp bạn thu hút khách hàng
Nói như thế để thấy rằng chất lượng tô phở cực kì quan trọng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 50.000 đồng để ăn một tô phở chất lượng thay vì chọn những quán chỉ bán 15.000-20.000 đồng/tô nhưng nước lõng bõng, trắng nhợt, không có mùi bò, thịt chỉ được vài miếng. Dù đối tượng khách hàng bạn hướng đến là ai, mức giá đưa ra bao nhiêu, lượng thịt hay bánh phở có thể ít nhưng hương vị nước dùng phải đảm bảo thơm ngon thì mới có khách.
Vì thế, nếu đã xác định mở quán phở, bạn cần chắc chắn rằng bản thân đầu bếp hay chính bạn phải là người có kiến thức về món phở, biết cách nấu ngon và đúng chất.
Cách mở quán phở bò – Xây dựng thực đơn đa dạng
Khẩu vị của thực khách ngày càng đa dạng nên bạn cũng cần xây dựng một thực đơn có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Ví dụ như quán chuyên phở bò, bạn có thể đa dạng menu với phở bò tái, bò chín, bò tái chín, bò sốt vang, bò gân, bò nạm,… hoặc có thể kèm thêm các loại bún, miến, mì, bánh đa,… để gia tăng khả năng được khách hàng lựa chọn. Đó chính là một trong những cách mở quán phở bò thu hút được nhiều khách mà bạn cần ghi nhớ.
Một lưu ý nhỏ đó là không nên “quá tham” khi kinh doanh nhiều loại bún phở có hương vị riêng biệt với cùng 1 nồi nước dùng. Ví dụ như bún riêu cua sẽ cần một công thức chế nước dùng riêng, không thể dùng chung với nước chan phở bò, phở gà,…
Cách mở quán phở bò: Lên thực đơn kỹ càng và hợp lý trước khi mở quán
Lựa chọn địa điểm mở quán phở hợp lý
Chọn được mặt bằng mở quán phù hợp cũng là một yếu tố góp phần lớn đến sự thành công trong kinh doanh. Thật không dễ để có thể chọn được một “vị trí đắc địa”, điều này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm, khảo sát và cả tiền bạc. Vậy nên, hãy cân nhắc mọi thứ ở mức vừa phải, phù hợp.
Một vài yếu tố sau đây mà người mở quán phở sẽ cần tham khảo:
- Mặt bằng rộng rãi, thoáng mát, đủ để đặt nhiều bộ bàn ghế để phục vụ khách ăn tại chỗ;
- Văn hóa ăn hàng quán, nên chọn các vị trí gần trường học, bệnh viện, tòa nhà văn phòng, khu vực đông dân cư,…;
- Vị trí dễ phát hiện và dễ tiếp cận;
- Sự thuận lợi trong giao thông, lưu lượng qua lại hằng ngày cùng sự thuận tiện trong việc dừng, đỗ hay quay đầu;
- Chỗ để xe thoải mái, rộng rãi, không cách xa vị trí của quán. Thêm nữa là không nên để khách hàng chịu tiền phí gửi xe dù chỉ 2.000 hay 3.000 đồng;
- Những vấn đề liên quan khác như tình hình an ninh trật tự; các lợi thế của khu vực mang lại (phong cảnh, vị trí gần khu tập trung đông đúc như trường học, chung cư, khu vui chơi,…);
Không bao giờ để khách phải chờ quá lâu
Không ai muốn order một bát phở mà phải chờ tới 10-15 phút với cái bụng đói cả. Đặc biệt là bữa sáng, ai ai cũng bận rộn và muốn tranh thủ ăn một thứ gì đó thật nhanh gọn mà đủ chất. Nhiều khách hàng quá bận rộn, họ có thể sẽ bỏ về trước khi món ăn được bưng ra, hoặc không, rút kinh nghiệm lần sau sẽ không quay lại.
Vào những khung giờ cao điểm như vậy, quán nên bố trí đông nhân sự phục vụ, tính toán dựa vào lượng khách ghé quán. Đồng thời, người làm nên rèn tác phong nhanh nhạy để phục vụ khách hàng tốt nhất.
Bán đồ ăn online – Cơ hội tăng gấp đôi doanh thu
Có thể thấy, kinh doanh hàng ăn online đang là hình thức khá phổ biến và thành công. Lý do bởi ngày càng có nhiều người bận rộn và không thể dành nhiều thời gian đi ăn buổi trưa, họ lựa chọn đặt đồ ăn về nhà, về cơ quan,… Bạn có thể tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,… và liên kết với các app đặt đồ ăn như Be Food, Grab Food, Baemin, Shopee Food,… để tối đa khả năng tiếp cân khách hàng của quán.
Xây dựng quy trình phục vụ khách hàng tận tâm
Ngoài chất lượng món ăn thì yếu tố phục vụ cũng chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong kinh doanh quán phở. Nếu bạn có nhân viên thì cần đào tạo sát sao về tác phong và thái độ ứng xử với tất cả các vị khách. Đôi khi, thái độ phục vụ tốt được đánh giá cao hơn một món ăn ngon, là vũ khí giữ chân khách hàng quay lại ủng hộ quán.
Mở quán phở có cần giấy phép kinh doanh không?
Kinh doanh bất kỳ loại hình gì cũng cần đăng ký giấy phép kinh doanh. Đặc biệt kinh doanh quán ăn sẽ cần thêm giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy phép phòng chống cháy nổ và một số loại giấy cấp phép khác (kinh doanh thuốc lá, thức uống có cồn, đăng ký thương hiệu bản quyền,…).
Một quán phở có đầy đủ giấy phép kinh doanh theo quy định sẽ được coi là hợp pháp và được bảo hộ bằng pháp lý. Ngược lại, nếu quán không có giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ được coi như hoạt động trái phép và bị xử phạt theo từng mức độ. Do vậy, bạn cần hoàn thành đầy đủ các thủ tục đăng ký kinh doanh để tránh gặp phải các vấn đề rắc rối về sau.
Hy vọng những chia sẻ “hướng dẫn mở quán phở cho người mới kiếm bạc triệu mỗi ngày” sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để kinh doanh phở thành công.