Mở quán ăn có phải đóng thuế không?
Bắt đầu kinh doanh quán ăn không đơn giản như bạn nghĩ, bên cạnh việc quan tâm đến các yếu tố như vấn đề phát triển kinh doanh thì bạn phải tìm hiểu và hoàn tất các thủ tục pháp lý, các giấy tờ liên quan,… Vậy mở quán ăn có phải đóng thuế không? Để trả lời câu hỏi này hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết này nhé!
Tại sao mở quán ăn phải nộp thuế?
Nội Dung
Theo Khoản 1 Điều 3 – Nghị định 39/2007/NĐ-CP, bất kỳ mô hình kinh doanh, hình thức mở quán nào thì cũng cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các giấy tờ liên quan và phải nộp thuế theo quy định của nhà nước. Với các hình thức kinh doanh là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp, mức thuế phải đóng của các loại hình này lại khác nhau.
>>> Xem thêm: Đăng ký kinh doanh quán ăn cần những giấy phép gì?
Những loại thuế phải đóng khi mở quán ăn
Để kinh doanh mở quán ăn bạn cần phải thực hiện đăng ký các loại giấy phép như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm,… Và sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký, cục thuế sẽ căn cứ vào hồ sơ và đưa ra mức thuế mà bạn phải nộp. Dưới đây là các loại thuế cần phải đóng khi mở quán ăn:
Thuế môn bài
Thuế môn bài là một loại thuế trực thu mà doanh nghiệp hay cá nhân/hộ kinh doanh phải nộp định kỳ mỗi năm. Loại thuế này được thu dựa trên vốn điều lệ hoặc doanh thu hàng năm tùy theo hình thức kinh doanh.
– Mức thuế môn bài đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp gồm có doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần trả thuế môn bài dựa trên số vốn trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
- Đối với doanh nghiệp có số vốn đăng ký trên 10 tỷ đồng thì mức thuế môn bài hàng năm sẽ là 3.000.000 đồng.
- Đối với doanh nghiệp có số vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng thì mức thuế môn bài hàng năm sẽ là 2.000.000 đồng.
- Và các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tổ chức kinh tế khác,… sẽ đóng mức thuế môn bài hàng năm là 1.000.000 đồng.
– Mức thuế môn bài đối với cá nhân/hộ kinh doanh
Cá nhân/hộ kinh doanh sẽ trả thuế môn bài dựa trên căn cứ tổng mức doanh thu trên một năm:
- Mức thuế môn bài đối với cá nhân/hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 500 triệu đồng/năm là 1.000.000 đồng/năm.
- Mức thuế môn bài đối với cá nhân/hộ kinh doanh có mức doanh thu 300 – 500 triệu đồng/năm là 500.000 đồng/năm.
- Mức thuế môn bài đối với cá nhân/hộ kinh doanh có mức doanh thu 100 – 300 triệu đồng/năm là 300.000 đồng/năm.
>>> Xem thêm: 8 nguyên tắc cơ bản nhất giúp bạn kinh doanh quán ăn thành công
– Một số trường hợp không phải đóng thuế môn bài
Theo điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, các trường hợp cá nhân/hộ kinh doanh sau đây sẽ được miễn thuế môn bài:
- Có doanh thu kinh doanh dưới 100 triệu đồng/năm.
- Các cá nhân/hộ kinh doanh không thường xuyên kinh doanh và không có địa điểm kinh doanh cố định.
- Cá nhân/hộ kinh doanh sản xuất muối.
- Nuôi trồng và đánh bắt thủy – hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Thuế GTGT (Thuế giá trị gia tăng)
Thuế GTGT là loại thuế được tính dựa trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ trong quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng qua việc mua hàng hóa với giá đã bao gồm thuế. Và tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất hàng hóa sẽ là người đứng ra kê khai và nộp thuế.
Hướng dẫn nộp thuế GTGT dựa theo thông tư 92/2015/TT-BTC:
- Mức thuế GTGT phải đóng = Tỷ lệ thuế GTGT x Doanh thu thuế GTGT
- Tỷ lệ thuế GTGT đối với mặt hàng ăn uống là 3% doanh thu.
Thuế TN (Thuế thu nhập)
Thuế thu nhập là thuế đánh vào thu nhập của pháp nhân và của cá nhân. Với trường hợp đánh vào thu nhập của pháp nhân thì loại thuế này được gọi là thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế sự nghiệp,… Còn đối với cá nhân, chúng ta sẽ gọi đây là thuế thu nhập cá nhân.
Tương tự thuế GTGT, mức thuế thu nhập cá nhân mà bạn phải nộp được tính như sau:
- Mức thuế TNCN phải đóng = Tỷ lệ thuế TNCN x Doanh thu thuế TNCN
- Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân/hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống là 1,5%
Lưu ý: Những quán ăn có doanh thu dưới 100 triệu/năm sẽ không phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT. Và cách tính doanh thu thuế GTGT và thuế TNCN sẽ dựa theo điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
>>> Xem thêm: 14+ mô hình kinh doanh quán ăn thu lãi cao nhất 2022
Địa điểm đóng thuế khi mở quán ăn
Người đóng thuế có thể đến những địa điểm sau để thực hiện đóng thuế theo quy định của nhà nước:
- Kho bạc nhà nước.
- Cơ quan thuế, quản lý thu thuế.
- Cục thuế & Chi cục thuế.
- Các ngân hàng thương mại có phối hợp thu thuế.
Trên đây là NEWSUN đã đưa ra câu trả lời, giải đáp cho việc mở quán ăn có phải đóng thuế không? Bên cạnh đó chúng tôi cũng giới thiệu chi tiết đến cho bạn đọc các loại thuế cần phải đóng khi mở quán ăn. Hy vọng những thông tin trên sẽ là thông tin hữu ích, giúp bạn mở quán ăn một cách thuận lợi nhất.